Để điều trị bệnh đau dây thần kinh tọa có thể áp dụng nhiều biện pháp như: vật lý trị liệu, điều trị nội khoa, sử dụng thuốc… Sau đây là một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh tọa.
- Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Tramadol + paracetamol là gì?
- Cách sử dụng thuốc Sodium cromoglycate
- Tìm hiểu công dụng và liều dùng thuốc Ampicillin 500mg
Hình ảnh đau dây thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa là gì?
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài và lớn nhất trong cơ thể, chạy dài từ vùng thắt lưng, qua vùng xương chậu, đến mông rồi xuống chân. Đau dây thần kinh tọa xảy ra khi dây thần kinh tọa bị chèn ép, gây ra các cơn đau chạy dọc theo dây thần kinh tọa, cơn đau thường xảy ra ở một bên của cơ thể, ảnh hưởng hoàn toàn hay một phần hông, mông, đùi, bắp chân, bàn chân nên được gọi là đau dây thần kinh tọa.
Nguyên nhân gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa.
Đau dây thần kinh tọa xảy ra khi dây thần kinh tọa bị chèn ép bởi một trong các nguyên nhân sau:
- Chấn thương hay nhiễm trùng cột sống.
- Thoát vị đĩa đệm.
- Hình thành gai xương do thoái hóa cột sống ở vùng thắt lưng.
- Hẹp ống sống.
- Khối u ở cột sống…
Một số yếu tố nguy cơ khác cũng có thể dẫn đến đau dây thần kinh tọa như: tuổi tác (tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng cao); thừa cân béo phì; do nghề nghiệp phải ngồi nhiều hoặc đứng nhiều; mắc một số bệnh lý (bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị đau dây thần kinh tọa cao).
Triệu chứng của đau dây thần kinh tọa như thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, đau dây thần kinh tọa có thể có những biểu hiện nặng nhẹ khác nhau tùy vào tình trạng bệnh. Một số triệu chứng có thể gặp như:
- Xuất hiện các cơn đau ở một bên cơ thể, lan dọc theo dây thần kinh tọa, đau tại một vị trí nào đó hoặc toàn bộ nơi dây thần kinh tọa đi qua như hông, đùi, mông, bắp chân, bàn chân.
- Mất kiểm soát bàng quang hay ruột…
- Cảm giác tê, ngứa ran hay yếu một bên chân.
Các loại thuốc điều trị đau dây thần kinh tọa phổ biến.
Các Trình Dược viên cho biết, một số loại thuốc được sử dụng trong việc điều trị đau dây thần kinh tọa chủ yếu nhằm mục đích giảm các cơn đau nhức ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID): Đây cũng là thuốc được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh tọa. Một số thuốc thuộc nhóm này như: ibuprofen, diclophenac, naproxen… có công dụng giảm đau, kháng viêm.
Các loại thuốc điều trị đau dây thần kinh tọa phổ biến.
Nhóm thuốc giảm đau: tùy thuộc vào mức độ đau mà bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Trong trường hợp đau nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin. Trường hợp đau nặng có thể sử dụng các thuốc giảm đau opioid như codein, tramadol…
Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, betamethason, triamcinolone…): công dụng của nhóm thuốc này là giảm đau, kháng viêm, do vậy nhóm thuốc này cũng được sử dụng trong việc điều trị đau dây thần kinh tọa. Thuốc thường dùng ở dạng viên, một số trường hợp nặng có thể sử dụng ở dạng thuốc chích. Thuốc có bán tại các Nhà thuốc GPP.
Lưu ý: Các loại thuốc kháng viêm non-steroid và thuốc corticosteroid có thể gây viêm loét dạ dày – tá tràng, ảnh hưởng đến thận và tim mạch… nếu sử dụng trong một thời gian dài.
Nhóm thuốc thư giãn cơ (cyclobenzaprine, methocarbamol…): Đây cũng là loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh tọa, có tác dụng giảm đau do sự chèn ép dây thần kinh tọa gây ra.
Lưu ý: loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng như: chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, bí tiểu…
Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, doxepin…): loại thuốc này cũng có thể được chỉ định trong việc điều trị đau dây thần kinh tọa.
Nhóm thuốc chống động kinh (gabapentin, pregabalin…).
Lưu ý: Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng hai nhóm thuốc trên như: chóng mặt, buồn ngủ, lú lẫn. Do vậy với những người lái xe hay vận hành máy móc cần hết sức thận trọng nếu sử dụng loại thuốc này.
Trên đây là một số loại thuốc được sử dụng trong việc điều trị đau dây thần kinh tọa. Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị theo phác đồ và hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, bệnh nhân cần kết hợp tập luyện thể dục thể thao với các bài tập phù hợp, tránh ngồi nhiều hoặc mang vác các vật nặng; ngoài ra có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác như châm cứu, vật lý trị liệu… giúp tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa tái phát.
Nguồn: Nhathuocgpp.edu.vn tổng hợp.