Theo báo cáo thị trường Dược phẩm Việt nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm và đạt giá trị gần 2 tỷ USD vào năm 2013. Theo đó Nhà thuốc đạt chuẩn GPP cũng tăng nhanh chóng.
Biểu đồ thị trường thuốc nội , thuốc ngoại
Trong 5 năm tới thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ là mảnh đất giàu tiềm năng cho các công ty nước ngoài do thị trường bắt đầu mở cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp này.
Tâm lý sùng thuốc tân dược ngoại.
Theo thống kê của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, tính đến hết năm trước, cả nước có 20.165 số đăng ký thuốc còn hiệu lực, trong đó khoảng một nửa là thuốc xuất xứ nước ngoài. Như vậy, vẫn còn một khoản “sân” khá rộng cho khối doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia liên quan trực tiếp đến lĩnh vực dược phẩm thì trên thực tế, thuốc ngoại nhập thường xuyên chiếm từ 60-70% thị phần tại Việt Nam và có khuynh hướng tăng mạnh. Tại rất nhiều nhà thuốc, các loại thuốc mang mác ngoại được “ưu tiên” hơn hẳn thuốc sản xuất trong nước. Mặc dù thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% nhưng lại không được sử dụng đồng đều mà chỉ tập trung ở các tuyến bệnh viện cấp dưới. Bệnh viên tuyến trên sử dụng thuốc ngoại nhiều hơn. Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, trong tổng giá trị thuốc đấu thầu của các bệnh viện, thuốc nhập khẩu đắt tiền chiếm tới 90%. Đơn cử như Viện bỏng chiếm 92%, Viện Da liễu quốc gia chiếm 96%, Bệnh viện phụ sản Trung ương chiếm 86%, Bệnh viện Bạch Mai chiếm 95%…
Một số năm gần đây, khi các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước rơi vào tình trạng khốn đốn, Bộ Y tế đã phải áp dụng một số biện pháp “chữa cháy” để tiết giảm bớt “cơn lũ” thuốc ngoại tràn vào Việt nam. Nhờ đó, khối bệnh viện trong nước mới hạn chế được phần nào cơ số thuốc nhập khẩu. Thế nhưng, chính sách”ưu tiên” này có lúc vẫn phải “chào thua” cơ chế hoa hồng của các hãng dược phẩm nước ngoài. Theo thông lệ, tỷ lệ hoa hồng đối với hợp đồng nhập khẩu thuốc thường từ 0.5-2%, đặc biệt có những trường hợp lên đến 3-5% nếu hợp đồng thực hiện với số lượng nhiều và lâu dài.
Theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới(WTO) của Việt Nam, từ 1/9/2009, các công ty dược phẩm nước ngoài có quyền mở chi nhánh tại Việt Nam và được tham gia nhập khẩu trực tiếp dược phẩm. Thêm vào đó, Việt Nam đang tiếp tục phải giảm thuế cho sản phẩm y tế là 5% và 2,5% cho thuốc nhập khẩu trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO. Như vậy, thị trường dược đang mở rộng cửa cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là trong lĩch vực nhập khẩu và hậu cần(logistic). Trước đây các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) trong lĩnh vực dược vào Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất thì nay có khoảng 70%-80% doanh nghiệp FDI này chuyển dần sang lĩnh vực lưu thông phân phối dược phẩm.
Theo dự báo của BMI, vào năm 2013, kim ngạch nhập khẩu thuốc sẽ vượt 1,37 tỷ USD trong khi xuất khẩu dược phẩm chỉ đạt 216 triệu USD.
Doanh thu thị trường Dược phẩm Việt Nam tính đên năm 2013
Thuốc nội loay hoay
Đến nay, cả nước có trên 170 xí nghiệp dược phẩm tham gia sản xuất thuốc, trong đó gần 80 xí nghiệp đã được cấp chứng chỉ GMP theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, với kinh phí xây dựng hàng trăm tỷ đồng.
Trong sản xuất, nhiều công nghệ mới đã được đưa vào áp dụng, chất lượng, độ ổn định của chế phẩm ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, sản xuất thuốc trong nước hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn như kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn hạn chế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và trang thiết bị chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Về chất lượng, thuốc mới được đánh giá chủ yếu về các tiêu chí lý hoá, chứ chưa có điều kiện để đánh gia tương đương sinh học khi cần. Chưa hết, tình trạng khá phổ biến là có loại thuốc đã lạc hậu trên thế giới nhưng các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước vẫn đưa vào kế hoạch sản xuất dài hạn và coi là mặt hàng thuốc chủ lực.
Ngoài ra, sản xuất thuốc trong nước còn có những khó khăn đặc thù như tác động của nóng ẩm nhiệt đới đến độ ổn định và tuổi thọ của thuốc, hay quy định phải hạn chế tăng giá đầu ra trong khi giá đầu vào luôn biến động. Do đó, xét về tính khả dụng hoặc với những dạng thuốc ứng dụng công nghệ cao thì chất lượng thuốc sản xuất trong nước có thể chưa tương đương với thuốc nhập khẩu. Những hạn chế trên làm các doanh nghiệp dược phẩm của Việt Nam khó mà nhấc mình lên được, dù chỉ trong hoàn cảnh cạnh tranh bình thường, và dĩ nhiên càng khó hơn gấp bội trong một cơ chế cạnh tranh mạnh được, yếu thua.
Cho tới nay, bài toán mà các doanh nghiệp dược phẩm quốc doanh phải tìm cách giải đáp chung quy vẫn chỉ xoay quanh các ẩn số: vốn đầu tư, trang thiết bị, giá cả. Với đà tung hoành của dược phẩm nước ngoài như đã đề cập, thật khó có thể xác định bao lâu nữa các mặt hàng thuốc trong nước mới chiếm lĩnh được thị trường của chính mình.
Trích nguồn : Mạng thông tin khoa học và Công nghệ TP.HMC