Danh mục
Trang chủ >> Dược sĩ hướng dẫn dùng thuốc >> Những lưu ý về nguyên tắc sử dụng thuốc tiêm an toàn

Những lưu ý về nguyên tắc sử dụng thuốc tiêm an toàn

Khi sử dụng thuốc tiêm, tác dụng có thể đạt được nhanh và mạnh hơn, nguyên tắc sử dụng thuốc tiêm là cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh.

Định nghĩa về nguyên tắc sử dụng thuốc tiêm an toàn

Thuốc tiêm là những chế phẩm vô khuẩn, có thể là hỗn dịch, nhũ tương, dung dịch hoặc bột khô khi tiêm mới pha thành dung dịch hay hỗn dịch để tiêm vào cơ thể theo các đường tiêm khác nhau.

Theo các bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, sử dụng thuốc tiêm an toàn là tập hợp các biện pháp để thực hiện tiêm một cách tối ưu cho bệnh nhân. Nhân viên y tế thực hành tiêm thuốc an toàn bao gồm:

  • Sử dụng các kỹ thuật vô trùng để ngăn ngừa sự lây truyền mầm bệnh qua đường máu cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
  • Tuân thủ đúng các nguyên tắc dùng thuốc.
  • Đảm bảo hiệu quả điều trị và chăm sóc cho người bệnh.
  • Giảm thiểu cảm giác đau đớn do tiêm chích cũng như các tai biến do sử dụng thuốc tiêm có thể mắc phải.

Các nguyên tắc sử dụng thuốc tiêm an toàn

Dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết các nguyên tắc sử dụng thuốc tiêm an toàn như sau:

  • Chọn đúng lọ thuốc.
  • Kiểm tra tên trên lọ thuốc so với chỉ định của bác sĩ để xác minh.
  • Kiểm tra ngày hết hạn trên lọ thuốc.
  • Chỉ chuẩn bị thuốc tiêm khi đã sẵn sàng để tiêm.
  • Kiểm tra lọ thuốc có bị nhiễm bẩn hay không, bao gồm sự đổi màu, các hạt kết tủa, nếu cần thiết thì nên trì hoãn việc dùng thuốc.
  • Tháo lớp bảo vệ lọ thuốc và làm sạch nút cao su bằng cồn đóng gói sẵn vô trùng.
  • Sử dụng kim và ống tiêm mới, vô trùng, được bọc riêng cho một lần dùng trên mỗi bệnh nhân.
  • Vệ sinh tay trước và sau khi chuẩn bị, thực hiện tiêm, đeo găng tay.
  • Rút thuốc vào ống tiêm, bộc lộ và sát trùng vị trí tiêm.
  • Thực hiện tiêm thuốc theo đúng chỉ định.
  • Vứt bỏ kim và ống tiêm ngay sau khi sử dụng trong hộp đựng vật sắc nhọn.
  • Vứt bỏ lọ, ngay cả khi còn dư thuốc.
  • Hướng dẫn người bệnh ngồi nghỉ và theo sau tiêm thuốc.
  • Ghi báo cáo vào hồ sơ theo dõi bệnh án.

Những việc không được làm trong sử dụng thuốc tiêm an toàn

Không sử dụng lại kim và ống tiêm, lọ thuốc dùng một lần, ống truyền hoặc túi dung dịch tiêm tĩnh mạch.

Không rút từng phần liều từ các lọ thuốc riêng biệt để tạo thành một liều thuốc tổng hợp.

Không chuyển thuốc từ ống tiêm này sang ống tiêm khác.

Không rút thuốc trong lọ với kim tiêm hoặc ống tiêm đã qua sử dụng.

Các biến chứng có thể gặp phải khi sử dụng thuốc tiêm

Theo trình dược viên, tiêm thuốc có nhiều rủi ro tiềm ẩn hơn so với các phương pháp dùng thuốc khác. Người bệnh không chỉ có nguy cơ phơi nhiễm tác dụng của thuốc mà còn có thể mắc phải các vấn đề liên quan đến việc tiêm chích, chẳng hạn như:

  • Các tá dược: Đây là thành phần được thêm vào để làm thay đổi tính chất vật lý của thuốc cho dễ sử dụng hơn. Tá dược thường không có hoạt tính và bản thân các thuốc dùng đường uống hay hít vẫn có chứa thành phần này. Tuy nhiên, vì việc sử dụng thuốc tiêm đem lại tác dụng nhanh và mạnh hơn nên sẽ làm tăng nguy cơ phản ứng mẫn cảm với thuốc hay cả tá dược nói riêng.
  • Nhiễm trùng vi khuẩn và vi rút: Tiêm thuốc bằng kim chưa được khử trùng hay đã sử dụng, có thể đưa vi khuẩn và vi rút vào cơ thể. Do đó, một khối áp xe có thể phát triển gần chỗ tiêm hoặc vi khuẩn, vi rút có thể di chuyển theo đường máu đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi, tim, não, gan hoặc xương và gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc) là hậu quả nghiêm trọng thường gặp khi tiêm thuốc bị nhiễm vi khuẩn hoặc sử dụng kim tiêm bẩn. Bên cạnh đó, việc dùng chung kim tiêm có thể gây lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường máu khác, chẳng hạn như viêm gan B và C, nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
  • Chấn thương do sử dụng kim tiêm: Việc sử dụng thuốc tiêm có thể gây hình thành mô sẹo trên da, nhất là khi tiêm truyền nhiều lần hay không cẩn thận. Tiêm dưới da có thể gây lở loét da. Tiêm tĩnh mạch dẫn đến sẹo tĩnh mạch, làm cho đoạn tĩnh mạch ngày càng chai sần và sẽ trở nên khó tiêm, nặng hơn là làm suy giảm lưu lượng máu.

Bài viết chỉ có giá trị tham khảo, tuyệt đối các bạn không được tự ý áp dụng nếu không có sự chỉ định của Bác sĩ.

Nguồn theo Y tế Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Lưu ý khi dùng thuốc Acetylcysteine 200mg Stada

Acetylcystein Stada 200mg được dùng chỉ định điều trị các rối loạn về tiết dịch ...